VGI Logo

[VGI Cafe] Thảo luận trực tuyến về Hợp tác trong lĩnh vực y học Đức-Việt

Tối ngày 04/06/2024, VGI đã tổ chức Hội thảo trực tuyến trong hoạt động thường kỳ VGI-Cafe với những chia sẻ của Tiến sĩ Lê Đức Dũng về chủ đề “Hợp tác trong lĩnh vực y tế Đức-Việt”.

TS. Lê Đức Dũng nỗ lực chuyển giao các công nghệ điều trị bệnh ung thư máu về Việt Nam. (Ảnh: VnExpress)

Tại buổi thảo luận, Tiến sĩ Lê Đức Dũng đã cung cấp thông tin cơ bản về ung thư máu cũng như các phương pháp điều trị hiện nay.

Tiến sĩ Lê Đức Dũng đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực y sinh và làm trưởng nhóm nghiên cứu chuyên sâu về ung thư máu tại Bệnh viện đại học Wuerzburg (Đức). Anh được tiếp xúc với phương pháp điều trị ung thư mới, đặc biệt là các phương pháp trị liệu miễn dịch (Immunotherapy). “Mục tiêu của các phương pháp điều trị ung thư hiện đại là đưa bệnh ung thư từ cấp tính, ác tính thành mạn tính hoặc khỏi hẳn, từ đó kéo dài sự sống cho người bệnh”, anh Dũng chia sẻ. 

Các phương pháp trị liệu miễn dịch chống ung thư này đã cho thấy hiệu quả cao và được kiểm chứng trên nhiều bệnh nhân ung thư máu ở Đức, kể cả với bệnh nhân diễn biến nặng, tái phát nhiều lần hoặc đã nhờn với các phương pháp điều trị ung thư truyền thống. TS Dũng quyết tâm giới thiệu các phương pháp trị liệu miễn dịch hiện đại về cho các bệnh viện Việt Nam.

Anh bắt đầu lên kế hoạch cho việc kết nối và chuyển giao công nghệ điều trị ung thư máu từ năm 2018. “Tôi được hai lãnh đạo là GS Hermann Einsele – Giám đốc BV nội khoa, BV Đại học Wuerzburg và GS Paul-Gerhardt Schlegel – chuyên gia hàng đầu về huyết học nhi ở Đức lúc đó ủng hộ nhiệt tình”, TS Dũng kể lại.

Anh cũng đã chia sẻ sâu sắc về việc chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ điều trị ung thư máu ở Đức với các bệnh viện lớn ở Việt Nam; về khoảng cách giữa y tế Đức và y tế Việt Nam và về các khó khăn, hạn chế khi làm cầu nối giữa hai bên.

Các thành viên tham dự buổi thảo luận trực tuyến.

Tiến sĩ Trần Đoàn Duy Hải, thành viên VGI và hiện cũng đang chủ trì một dự án chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y học của VGI với sự tham gia của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, đã chia sẻ những điểm tương đồng và kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án. 

Tham dự buổi thảo luận còn có sự tham dự Đại diện Khoa học và công nghệ tại Đức, bà Hà Thị Lâm Hồng – Tham tán tại Berlin và ông Trần Đông – Trưởng Văn phòng tại Frankfurt. Bà Hồng và ông Đông đánh giá cao đóng góp của Tiến sĩ Lê Đức Dũng, Tiến sĩ Trần Đoàn Duy Hải trong việc chuyển giao các công nghệ hiện đại, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả điều trị ung thư cho các bệnh nhân tại Việt Nam, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng VGI trong các chương trình hợp tác khoa học và công nghệ.